Nằm ở độ cao hơn 1.500m, đỉnh Hòn Bà (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) quanh năm vờn mây trắng, ngút ngàn xanh như gọi mời, thách thức du khách du lịch Nha Trang đến với ngọn núi cao nhất tỉnh Khánh Hòa, để hòa mình vào khung cảnh bốn mùa bồng bềnh mây mù che phủ tứ phía với bốn bề là cỏ cây.
Hòn Bà cách Nha Trang khoảng 30km đường chim bay, còn đi đường bộ phải hơn 60km. Từ Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), khách rẽ vào con đường nhỏ sát chân núi (cạnh hồ Suối Dầu) để bắt đầu hành trình chinh phục Hòn Bà.
Đoạn đường 37km từ Suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà ngoằn ngoèn quanh co uốn lượn, càng làm thích thú cho những bạn trẻ yêu thích sự mạo hiểm. Để lên được đỉnh núi Hòn Bà, bạn phải trải qua chặng đường khá vất vả. Cứ đi được đoạn bạn phải dừng lại nghỉ chân, mỗi lần nghỉ du khách thỏa thích phóng tầm mắt về phía xa để chiêm ngưỡng một bức tranh muôn màu của đồng quê vùng Diên Khánh, Cam Lâm.
Cuộc hành trình lên đỉnh Hòn Bà càng thú vị bởi càng lên cao, khí hậu càng mát mẻ, cảnh vật hoang sơ với tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách. Hai bên đường, những vạt rừng nguyên sinh với bạt ngàn thân cây cao. Điều du khách dễ bắt gặp trong suốt hành trình khám phá Hòn Bà đó là những đám sương mù vướng vào các thân cây to sừng sững đứng án ngự trên triền dốc. Bạn sẽ có cảm giác như trời đất đang xích lại gần nhau, tạo nên nên vẻ đẹp vô cùng lãng mạn. Chính vẻ đẹp kỳ thú ấy đã mời gọi du khách vượt đường xa để đến với Hòn Bà nguyên sơ.
Xe lần lượt leo hết dốc này đến dốc nọ từ thấp tới cao cho tới khi thấy tấm bảng gỗ ghi chú “Đỉnh Hòn Bà – cao độ tuyệt đối 1.578m rồi dừng lại. Ngay lúc này hiện ra trước mắt bạn là cái ngôi nhà màu nâu sậm là nơi làm việc của bác sĩ Yersin (còn gọi là ông Năm). Mọi thứ đều giản dị, hoang sơ giữa chốn núi rừng heo hút.
Theo tài liệu của Bảo tàng Yersin, năm 1915, bác sĩ Yersin đã đi ngựa từ Suối Dầu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) lên đỉnh Hòn Bà. Tại đây, ông đã cho xây dựng một ngôi nhà gỗ để ở và gieo trồng các giống cây mới, trong đó có cây canh kina để điều chế thuốc chống sốt rét. Ngoài ra, ông còn lập trạm quan trắc để nghiên cứu khoa học… Bây giờ, du khách đến với Hòn Bà vẫn thấy ngôi nhà gỗ 2 tầng có diện tích 11,4m x 8,7m của bác sĩ Yersin (được phục chế năm 2004) cùng những dấu tích như: chuồng nuôi ngựa, cây trà cổ thụ…
Bên cạnh những dấu tích gắn liền với bác sĩ Yersin, Hòn Bà còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà kỳ vĩ. Theo các nhà khoa học, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, 255 loài động vật, trong đó có 41 loài thực vật và 59 loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ.
Bởi vậy nếu đã đến với Hòn Bà bạn bên đi sâu vào trong rừng để khám phá thiên nhiên muôn hình muôn vẻ. Tiếng gió thổi hòa lẫn với tiếng chim ca đã tô thêm cho bức tranh núi rừng càng thêm sinh động và trữ tình. Nhiều bạn trẻ đến Hòn Bà bởi niềm đam mê được chụp ảnh những cánh rừng già, những con chim nhiều màu sắc… hay được ngắm thỏa thuê những đóa hoa rừng.
Đặc biệt, một số du khách đến Hòn Bà đã ở lại đêm để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của núi rừng, để thấu cái lạnh của sương núi khi đất trời vào đêm, để sớm mai thấy mây sà xuống thấp phủ trên những cây cổ thụ, rồi ngắm hoàng hôn với những vạt nắng chiều loang trên những vạt cỏ tranh.
Hiện nay danh thắng Hòn Bà đã không còn xa lạ đối với những bạn trẻ yêu thích phượt tự do. Họ nói rằng đến với Hòn Bà giống như đang đi giữa núi rừng Tây Bắc với núi, cỏ cây và sương mù rất đặc trưng. Chính vì thế. Hòn Bà Nha Trang đã làm cho bức tranh du lịch Nha Trang thêm màu sắc hơn. Đến với Nha Trang không chỉ có biển xanh cát trắng, nắng vàng mà còn được tận hưởng những thứ đặc biệt mang hơi thở của núi rừng.