Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Khánh Hòa

Khánh Hòa có một nền văn hóa biển đảo lâu đời với những giá trị đặc trưng như văn hóa ẩm thực, ngành nghề truyền thống, phong tục tập quán… Việc giữ gìn và phát huy những giá trị này không chỉ mang tính chất bảo tồn những giá trị văn hóa dân gian mà còn có nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch trong tương lai.

Những giá trị văn hóa biển đảo cần được gìn giữ và phát triển ở Khánh Hòa

Là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: bờ biển Đại Lãnh, Dốc Lết, Hòn Chồng, các vịnh biển và các di tích, như: căn cứ Hòn Hèo, thành cổ Diên Khánh cùng gần 200 ngôi nhà cổ có niên đại trên dưới 100 năm.   Tất cả đều mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng mang tính đặc thù của một vùng đất có bề dày trên 300 năm lịch sử. Đặc biệt, những giá trị văn hóa phi vật thể các làng nghề truyền thống, các lễ hội: nghề lưới đăng, nghề làm muối, đúc đồng, nước mắm, lễ hội cầu ngư, cúng đình… tự bản thân các giá trị trên cũng khắc họa nên một nền văn hóa biển đảo đa dạng, phong phú trong sự gắn liền với đời sống sinh hoạt đời thường của cộng đồng cư dân.

van hoa bien dao

Lễ hội cầu ngư Khánh Hòa

Cụ thể là phòng trưng bày tài nguyên văn hóa biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, người xem phải ngỡ ngàng với một kho sinh vật, tài nguyên thiên nhiên đặc trưng cho 2 quần đảo này. Phòng trưng bày hiện có khoảng 10.000 mẫu sinh vật lấy từ Trường Sa, Hoàng Sa và một số vùng biển trong nước. Tại phòng trưng bày này còn lưu giữ những tài liệu về quá trình khảo sát và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa qua các thời kì lịch sử.  Ngoài các tài liệu văn hóa, lịch sử, ở đây còn có những mẫu sinh vật, địa chất đươc lấy từ 2 quần đảo trên. Nổi bật như: đá vôi san hô lấy ở Trường Sa năm 1989; bom núi lửa lấy ở đảo Phan Vinh năm 1989; vỏ sò dài 1m, nặng 145 kg lấy từ đảo Sinh Tồn từ năm 1991; mẫu cá mặt trăng đuôi nhọn lấy từ Trường Sa năm 1998; mẫu cá thu song khổng lồ nặng 70 kg, dài 4m lấy ở Trường Sa đầu năm 2011…

Hướng gìn giữ và phát huy văn hóa biển đảo Khánh Hòa

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa đang diễn ra một cách nhanh chóng đã khiến những giá trị văn hóa ngày càng bị mai một. Và văn hóa biển đảo Khánh Hòa cũng đang đứng trước nguy cơ ấy. Đứng trước tình trạng này ngành văn hóa Khánh Hòa đã kịp thời đưa một số hoạt động văn hóa vào gắn kết với du lịch, để qua đó vừa tạo việc làm cho người dân, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa địa phương và quảng bá rộng rãi với công chúng. Để đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa biển đảo hơn nữa, ngành văn hóa Khánh Hòa tiếp tục lồng ghép các di sản văn hóa phi vật thể vào các tour du lịch như: tham quan lễ hội truyền thống tại các di tích, tái hiện hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian, như: múa Bóng, bài Chòi, đặc biệt, sự tái hiện này phải được bố trí ở nhiều điểm du lịch, nhiều khu du lịch khác nhau để tăng thêm sự đa dạng, hấp dẫn cho các tour.

van hoa bien dao

Festival là dịp để giới thiệu những giá trị văn hóa biển đảo

Tổ chức festival văn hóa biển đảo nhằm tiếp cận, nghiên cứu và làm rõ hơn những giá trị văn hóa đặc trưng về biển đảo, thực hiện việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy tác dụng những di sản văn hóa biển đảo… để từ đó có những định hướng đúng trong quy hoạch, xây dựng các thiết chế cơ sở hạ tầng kinh tế biển đảo, bảo đảm đầy đủ tính khoa học và yêu cầu phát triển bền vững. Văn hóa chính là nền tảng vững chắc để phát triển du lịch. Và văn hóa biển đảo là nét đặc trưng cũng như là thế mạnh mà du lịch Nha Trang đã và đang có được. Vì thế trong tương lai cần phải giữ gìn và phát huy hơn nữa để ngành du lịch luôn là ngành mũi nhọn của Khánh Hòa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *